x

Thầy Minh - Cô Nhật
0903 60 50 88 0902 30 50 78

KHÁCH TRUY CẬP

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm Nay369
mod_vvisit_counterHôm Qua1023
mod_vvisit_counterTuần Này1392
mod_vvisit_counterTuần Trước12256
mod_vvisit_counterTháng Này16901
mod_vvisit_counterTháng Trước67259
mod_vvisit_counterTất Cả1050281

Phụ huynh cần biết

“2 trong 1”, chiếc phao cho xã hội hóa giáo dục hay cho Bộ, ngành?

 

Tác giả: TS Dương Xuân Thành

Thứ tư 16/10/2013 07:24
(GDVN) - "Đã đến lúc cần phải nói to rằng: “Bộ hãy nói ít thôi, hãy làm theo luật, làm theo xu hướng phát triển của xã hội đi, hãy tổ chức kỳ thi “2 trong 1” ngay từ năm 2014 đi”... Làm thế không phải chỉ cứu chủ trương xã hội hóa giáo dục mà chính là cứu vãn uy tín của ngành, của Bộ đấy". TS Dương Xuân Thành nhấn mạnh.
 
“2 trong 1”, chiếc phao cho xã hội hóa giáo dục hay cho Bộ, ngành? (Ảnh minh họa)

Ngày 22/9/2013 tờ Vnexpress.net có bài "Bỏ thi đại học là tai hại vô cùng". Bài báo nhấn mạnh: “Nếu Bộ Giáo dục bỏ kỳ thi đại học, cao đẳng thì sẽ xảy ra rất nhiều tiêu cực tại các trường THPT. Điều đó, Bộ Giáo dục liệu có kiểm soát hết được không?”.
 
Những người bảo vệ quan điểm giữ lại kỳ thi tuyển sinh CĐ - ĐH hoặc là không hiểu pháp luật, hoặc là hiểu nhưng vẫn cố tình phát biểu một cách chủ quan, họ vẫn muốn níu kéo cách tư duy thiển cận, xưa cũ trong khi đất nước đã bước qua thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Có lẽ nhắc lại ở đây khoản 2 điều 34 Luật Giáo dục đại học là không thừa: 

“2. Tổ chức tuyển sinh: a) Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; b) Cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.
 
Một khi luật đã cho phép các cơ sở GDĐH tự chủ phương thức tuyển sinh thì kỳ thi 3 chung mà Bộ GD&ĐT đang cố níu kéo đến hết 2015 thực chất là vi phạm pháp luật. Cung cấp cho người đọc các ý kiến tranh biện là cần thiết nhưng quảng bá cho những quan điểm vừa trái pháp luật và đi ngược lại xu thế thời đại không phải là cách làm hay.
 
Trong bài “Bỏ thi tốt nghiệp đồng nghĩa với việc chạy điểm” (Vietnamnet.vn 06/08/2013) người viết đã nêu ý tưởng về việc bỏ thi tuyển sinh CĐ-ĐH mà chỉ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông với năm bước:

1. Hình thành các cụm (địa điểm) thi tốt nghiệp THPT theo đơn vị hành chính.

2. Học sinh thi tốt nghiệp được xáo trộn và lập danh sách như thi ĐH- CĐ.

3. Điều động giảng viên các trường ĐH, CĐ kết hợp với giáo viên phổ thông nhưng không phải là người địa phương làm giám thị coi thi.

4. Cố gắng tối đa các môn thi trắc nghiệm để chấm bằng máy, Bộ GD&ĐT thành lập các hội đồng chấm những môn tự luận theo nguyên tắc trao đổi giữa các địa phương.

5. Hồ sơ thi tốt nghiệp THPT cần có mục đăng ký nguyện vọng học ĐH- CĐ để các trường ĐH- CĐ xét tuyển.
 
Đề xuất này khá trùng hợp với ý tưởng trong phương án của Hiệp hội các trường CĐ-ĐH ngoài công lâp thể hiện trong bài viết: “Đề xuất phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng với 8 môn thi”  (Giaoduc.net.vn - ngày 05/10/2013) trong đó gợi ý tám môn thi là Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngũ, Sinh học, nghĩa là bao quát các môn thi CĐ-ĐH khối A, B, C, D, A1. Thời gian thi kéo dài trong 04 ngày với hình thức “ba chung kiểu mới”.
 
Có một vấn đề nên được bàn luận là thời gian thi và số môn thi. Trước hết cần phải nói rằng tất cả đề xuất chỉ mang tính thời điểm, sau một thời gian, tùy vào sự phát triển của khoa học, công nghệ và thực tiễn của xã hội có thể điều chỉnh lại. 
 
Theo ý kiến của người viết, thời gian thi 04 ngày là dài, gây tâm lý nặng nề cho học sinh và khó khăn cho khâu tổ chức khi điều động các giảng viên CĐ-ĐH đi coi thi. Với những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa có rất ít thậm chí không có một trường CĐ – ĐH nào thì phải điều giảng viên từ tỉnh khác tới, trong khi đó nơi có nhiều trường CĐ-ĐH nhất cả nước là Hà Nội và T/p Hồ Chí Minh. Nếu tính cả khâu tập huấn cán bộ, đi lại và coi thi, thời gian sẽ mất không dưới một tuần.
  
Tôt nhất là chỉ nên bố trí thi trong 03 ngày. Nếu chốt thời gian là 03  ngày thì sẽ có hai phương án:
1. Thi 6 môn trong đó bốn môn cố định là Toán, Văn, Sử,  Ngoại ngữ, hai môn còn lại sẽ chọn trong 4 môn Địa, Lý, Hóa, Sinh. 
 
Hai môn Toán, Văn được lựa chọn có lẽ không ai phản đối. Người viết chọn môn Sử vì đây là vấn đề liên quan đến ý thức dân tộc, đến chủ quyền quốc gia và truyền thống bảo vệ tổ quốc, đã là công dân Việt Nam bắt buộc  phải hiểu về lịch sử tổ quốc và dân tộc mình. Môn ngoại ngữ liên quan đến trào lưu hội nhập quốc tế, đây là một trong những môn yếu nhất của giáo dục hiện nay.
 
2. Thi 08 môn, bố trí 04 môn trắc nghiệm thi trong 90 phút, một buổi thi 02 môn trắc nghiệm tổng thời gian là 180 phút cũng chỉ bằng thời gian của các môn tự luận như môn Văn.
 
Về thời điểm thực hiện: Theo quyết định mới nhất mà Bộ GD&ĐT giao cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng thì: “Trong thời gian tới Cục khảo thí tiếp tục nghiên cứu đổi mới thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vẫn theo hướng giữ ổn định như năm 2013, bên cạnh đó năm nay sẽ là năm triển khai nghiên cứu và tích cực chuẩn bị về mọi mặt để từng bước áp dụng câu trắc nghiệm khách quan có nhiều lựa chọn đúng đối với các môn thi trắc nghiệm  trong kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm sau” [1].
 
Với quyết định này có thể thấy, dù đề án “đổi mới toàn diện giáo dục…” đã được Trung ương thông qua, thì Bộ GD&ĐT cũng chưa vội, cũng vẫn còn muốn “ba chung” thêm một thời gian nữa. Có thể thấy hình bóng của tư duy nhiệm kỳ  thấp thoáng đâu đó khi mà không phải ngẫu nhiên kỳ thi “ba chung kiểu cũ” vẫn còn thoi thóp đến tận năm 2015. 
 
Trong đề án đổi mới giáo dục có nhận định: “yếu kém trong công tác quản lý, chỉ đạo của ngành giáo dục, bao gồm cả quản lý ngành và quản lý các cơ sở giáo dục, là nguyên nhân của nhiều yếu kém khác. Quản lý, chỉ đạo còn nặng về điều hành sự vụ; chưa chủ động tham mưu các chính sách, giải pháp bảo đảm điều kiện phát triển giáo dục …”
 
Phải chăng vì ngành giáo dục với thói quen “chưa chủ động tham mưu” nên cũng không muốn tiếp nhận tham mưu của người khác? Không thể nói không đủ thời gian chuẩn bị cho kỳ thi “ba chung kiểu mới” khi mà từ nay đến tháng 7/2014 vẫn còn gần 10 tháng nữa. Sự đủng đỉnh của lãnh đạo ngành cũng không khác cho lắm so với người nông dân hợp tác xã nông nghiệp ngày xưa, tám giờ tối đánh kẻng họp, mười giờ mới bắt đầu, việc không làm hôm nay thì để mai, chẳng có gì phải vội. Việc gì mới, đột phá chưa chắc thành công thì để sau năm 2015, hết nhiệm kỳ cái đã?
 
Một trong những thói xấu của con người hiện đại là nói mà không làm, hứa rồi để đấy. Một khi lãnh đạo nào cũng muốn đẩy cái khó cho người kế tục, cho thế hệ sau thì đương nhiên sự nghiệp “đổi mới toàn diện giáo dục” sẽ nằm cuối cùng trong chuỗi công việc chờ xử lý.
 
Nếu trong bộ máy quản lý lãnh đạo ngành mà có những vị nào năng lực yếu kém, lãnh đạo quản lý yếu kém thì từ chức là hành vi cần có của người quân tử. Vấn đề của chúng ta là “làm chủ tập thể” nên dù đã phải viết trong dự thảo đề án” yếu kém trong công tác quản lý, chỉ đạo của ngành giáo dục, bao gồm cả quản lý ngành và quản lý các cơ sở giáo dục” thì cũng không biết quy cho ai, chẳng ai thấy mình “xứng đáng” từ chức. 
 
Công tác tuyển sinh 2013 với các trường ngoài công lập (NCL), cho đến thời điểm này cũng không khả quan hơn năm 2012. Một số trường như ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Chu Văn An chỉ có vài chục sinh viên nhập học, ĐH dân lập hải Phòng may ra tuyển được 50% chỉ tiêu, trong khi Bộ vẫn cho rằng có trên 200.000 thí sinh dôi dư, các trường NCL “tha hồ” mà lựa chọn. 
 
Báo Nhân Dân điện tử nêu ý kiến: “năm 2013 tổng chỉ tiêu tuyển sinh ÐH, CÐ khoảng 642 nghìn sinh viên, trong đó các trường công lập khoảng 512 nghìn sinh viên. Nếu các trường công lập có uy tín tuyển sinh vượt 10% chỉ tiêu thì tổng số sinh viên trúng tuyển đã tương đương tổng chỉ tiêu. Như vậy các trường NCL, các trường "tốp dưới" sẽ không còn nguồn để tuyển” [2].
 
Cần nhớ rằng Bộ cho phép các trường công lập tuyển vượt dưới 15% chứ không phải chỉ 10% như báo Nhân Dân đã đưa. Phải chăng Bộ muốn chờ đến hết 2015, khi đa số các trường NCL “chết hẳn”, lúc đó sân chơi “tự chủ tuyển sinh” sẽ chỉ còn là của các trường công lập và một số ít các trường NCL? 
 
Đã đến lúc cần phải nói to rằng: “Bộ hãy nói ít thôi, hãy làm theo luật, làm theo xu hướng phát triển của xã hội đi, hãy tổ chức kỳ thi “2 trong 1” ngay từ năm 2014 đi”... Làm thế không phải chỉ cứu chủ trương xã hội hóa giáo dục mà chính là cứu vãn uy tín của ngành, của Bộ đấy./.

Tài liệu Tham khảo:
[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-GDDT-giao-nhiem-vu-quan-trong-cho-Cuc-khao-thi/319118.gd
[2]http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_giaoduc/_mobile_tuyensinh/item/20075202.html
 

 

 

Copyright © CÔNG TY TNHH TƯ VẤN GIÁO DỤC ĐỨC VIỆT